DỮ LIỆU LÀ MỘT LOẠI TÀI NGUYÊN MỚI PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI

Vietnamnet - Đây là ý kiến được các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đưa ra trong Hội nghị Đối tác Dữ liệu Mở châu Á lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. 

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội nghị Đối tác Dữ liệu Mở châu Á năm 2021. Hội nghị Đối tác Dữ liệu Mở châu Á là hội nghị thường niên do Liên minh dữ liệu mở châu Á(AODP) cùng các đối tác tổ chức từ năm 2015 đến nay. Sau 5 lần tổ chức, đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Đối tác Dữ liệu Mở châu Á. 

Kinh tế dữ liệu sẽ đóng góp 5% GDP Việt Nam 

Theo báo cáo của Cổng Dữ liệu châu Âu, một sáng kiến của Uỷ ban châu Âu, trong năm 2019, quy mô thị trường của dữ liệu mở là 184,45 tỷ Euro, dự kiến có thể đạt khoảng 199,51 - 334,20 tỷ Euro vào năm 2025. 

Phần lớn các chính phủ trên thế giới sử dụng dữ liệu mở để triển khai các giải pháp nhằm cải thiện hoạt động của chính phủ, nâng cao quyền của người dân, tạo ra các cơ hội phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Hiện nay, có 3 xu hướng khai thác dữ liệu mở mà các nước trên thế giới đang hướng đến. Các xu hướng này bao gồm: Thương mại hóa dữ liệu mở và phát triển ngành công nghiệp dịch vụ dữ liệu; Dữ liệu mở để phát triển công nghệ số và Hợp tác trong hiệp định kinh tế số toàn diện.
 


Ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.
 

Theo ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, kinh tế dữ liệu nói chung, dữ liệu mở nói riêng đang là trái tim của nền kinh tế số, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội cho các quốc gia, người dân và doanh nghiệp trên thế giới. 

Đối với Việt Nam, giá trị kinh tế mà các luồng dữ liệu tạo ra thông qua áp dụng các công nghệ kỹ thuật số trong thương mại đạt 81 nghìn tỉ đồng vào năm 2017. Con số này có thể đạt tới 953 nghìn tỉ đồng vào năm 2030. 

Theo Dự thảo chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu của Việt Nam là kinh tế dữ liệu đóng góp 5% GDP.

Chia sẻ tại Hội nghị Đối tác Dữ liệu Mở châu Á năm 2021, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, trong xu hướng mở, dữ liệu mở có những đặc trưng quan trọng, đó là công khai sử dụng, tái sử dụng và không độc quyền. 
 


Hình ảnh tại một trong những trung tâm lưu trữ dữ liệu đạt chuẩn Uptime Tier 3 tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt
 

Điều đó có nghĩa, cộng đồng có thể khai thác, sử dụng các dữ liệu mở dựa trên giấy phép mở. Cũng chính cộng đồng có thể làm gia tăng giá trị của dữ liệu mở và tiếp tục những dữ liệu đó lại được chia sẻ cho cộng đồng để phát huy giá trị của mình. 

Theo ông Lê Quang Huy, châu Á với dân số đông nhất thế giới, với lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo cần tiên phong trong lĩnh vực phát triển công nghệ số, khai thác, chia sẻ và ứng dụng dữ liệu sao cho hiệu quả để phát triển thịnh vượng hơn. Với Việt Nam, điều này cũng sẽ giúp nước ta hoà chung vào dòng chảy toàn cầu, giải quyết các thách thức, khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt. 

Dữ liệu là một loại tài nguyên mới của quốc gia

Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng cho rằng, đại dịch Covid-19 cho thấy bài học quý giá về tầm quan trọng của dữ liệu mở và chia sẻ dữ liệu trong việc hoạch định chiến lược phòng chống dịch của mỗi quốc gia. Việt Nam đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của dữ liệu và dữ liệu mở. 

Gần đây nhất, chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 của Việt Nam đã xác định rất rõ, dữ liệu là một loại tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. 

Bộ TT&TT với vai trò điều phối chương trình chuyển đổi số quốc gia đã và đang xây dựng lộ trình thiết lập các quy chuẩn, tiêu chuẩn dữ liệu, bảo đảm dữ liệu của các bộ, ngành, chính quyền từ trung ương đến địa phương được phân loại và chia sẻ một cách thông suốt khoa học, bảo đảm an toàn an ninh mạng. 
 


Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng.

 

Trên bình diện quốc tế, phát triển dữ liệu mở cũng cần có sự hợp tác liên quốc gia. Bởi lẽ, kinh tế số là vấn đề toàn cầu, nếu coi dữ liệu là mạch máu của nền kinh tế toàn cầu thì mạch máu dữ liệu này phải được thiết lập dựa trên một khung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được chấp nhận rộng rãi. 

Dữ liệu là nguồn tài nguyên đặc biệt được sinh ra trong quá trình con người sử dụng công nghệ. Không như tài nguyên trong tự nhiên, tài nguyên dữ liệu càng dùng nhiều càng sinh ra nhiều, càng tạo ra giá trị lớn, càng chia sẻ càng có giá trị cộng hưởng. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Dũng, việc chia sẻ dữ liệu cần được thực hiện một cách phù hợp, bảo đảm hài hòa dòng chảy dữ liệu xuyên quốc gia, đảm bảo an toàn an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân, phù hợp với quy định pháp luật của mỗi quốc gia. Chỉ có như vậy, những chiến lược, tiêu chuẩn dữ liệu mới thực sự đi vào cuộc sống, dữ liệu mới phục vụ việc tạo ra giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp. 

Thông qua hợp tác khu vực, Việt Nam có thể hướng tới hệ sinh thái dữ liệu mở toàn diện, thúc đẩy hội nhập kinh tế số khu vực và toàn cầu. 

Năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam chủ trì tổ chức hội nghị đối tác dữ liệu mở châu Á. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, đây là cơ hội rất lớn để các cơ quan quản lý, chuyên gia, học giả và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng như quốc tế cùng chia sẻ, thảo luận, cập nhật những xu hướng, kinh nghiệm trong phát triển hạ tầng dữ liệu mở, hướng tới sự đồng thuận trong khu vực về các quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý dữ liệu. 

Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng cộng đồng công nghệ và cộng đồng dữ liệu mở trong và ngoài nước, để cùng thiết lập quy chuẩn, tiêu chuẩn dữ liệu toàn cầu, qua đó khai phá và tạo ra những giá trị từ dữ liệu mở.

Trọng Đạt

Các tin bài khác:

Đối tác: